1. Tà Chì Nhù – Nóc nhà Yên Bái
Tà Chì Nhù là ngọn núi cao thứ 7 trong top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam với độ cao 2.979m. Nằm trong địa bàn huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, Việt Nam. Theo cách gọi của người dân tộc Thái, Tà Chì Nhù được gọi là Phu Song Sung. Còn theo người dân tộc Mông, là Chung Chua Nhà.
Tà Chì Nhù được các trekker đánh giá là không quá khó. Bởi chủ yếu địa hình không có nhiều lối rẽ ngang, không nhiều hẻm vực hay vách núi cheo leo, đường mòn là chính. Dù vậy, nơi đây lại có một loài hoa màu tím rực rỡ nở rộ khắp các sườn núi như cánh đồng Violet ở Châu Âu, với tên gọi là Chi Pâu. Theo kinh nghiệm của Rùa, cung đường cũng rất đa dạng thay đổi liên tục theo độ cao. Khi là rừng già nguyên sinh, khi đi qua suối, khi đi xuyên rừng tán thấp, khi đồng cỏ, khi rừng trúc, khi là biển trời mây. Thỉnh thoảng bắt gặp đàn ngựa chu du khiến bạn cảm tưởng như mình đang lạc giữa bình nguyên của người du mục.
2. Đường di chuyển đến Tà Chì Nhù
Từ Hà Nội đến hành trình trekking Tà Chì Nhù có thể chia làm 2 chặng:
- Chặng 1: Hà Nội – Nghĩa Lộ, thời gian di chuyển từ 5 đến 6 tiếng.
- Chặng 2: Nghĩa Lộ – Trạm Tấu – Xà Hồ và đến đỉnh núi Tà Chì Nhù.
3. Nên leo Tà Chì Nhù mùa nào
- Tháng 9 đến đầu tháng 10: thời điểm đẹp nhất để ngắm hoa Chi Pâu.
- Tháng 11 đến tháng 3 năm sau: thời điểm săn mây lý tưởng cho du khách.
4. Những lưu ý khi leo Tà Chì Nhù
Chuẩn bị thể lực:
Được nhận xét là địa hình vừa phải. Tuy nhiên, Tà Chì Nhù không có nhiều bóng mát, đường đi là các cây bụi thấp tầng. Nếu đi phải mùa hè, gió Lào khô nóng thổi sẽ khiến cơ thể bạn mất nước rất nhanh. Bên cạnh đó, không khí trên núi càng lên cao càng loãng. Do đó, đây là những bài tập phù hợp bạn nên chuẩn bị trước:
- Sức bền: Đi đường dài ở công viên, chạy bộ, lên xuống cầu thang.
- Giữ thăng bằng: Bài tập kiễng chân.
- Tăng sức chịu đựng: Bài tập đứng lên, ngồi xuống.
Thời tiết:
Bạn nên xem dự báo thời tiết trước một tuần chuyến đi. Địa hình ở Tà Chì Nhù là đường mòn, nếu mưa, con đường sẽ biến thành bùn nhão khiến sự di chuyển khó linh hoạt.
5. Vật dụng cần thiết
- Cắm trại: Lều, túi ngủ, thảm cách nhiệt nếu bạn tự túc. Trường hợp ngủ trong lán chỉ cần bạn mang theo miếng dán giữ nhiệt, dán ở chân để bạn giữ ấm vào ban đêm.
- Đồ dùng cá nhân: Bình nước, gậy trekking, đèn pin, sạc dự phòng, kem chống nắng, chai xịt côn trùng, đồ sơ cứu y tế, găng tay, mũ,…
- Thức ăn: Mang theo ít lương thực có đường như kẹo, chocolate, thanh năng lượng,.. cho hành trình dùng nhiều sức.
- Giày leo núi: Đế nhẹ, có độ bám tốt, không thấm nước.
- Quần áo: Áo mưa dự trù. Quần áo chống thấm, dài tay, ấm vì nhiệt độ thấp vào ban đêm và khi càng lên cao.
- Balo: Chuyên dụng, chống thấm nước và có đai trợ lực.
- Tiền mặt: Để sử dụng trong trường hợp chi trả cho porter, chi trả thuê lán ngủ, khi tắm nước nóng của người địa phương.
6. Không nên bỏ lỡ
Một điều không nên bỏ lỡ khi đến Tà Chì Nhù là trải nghiệm tắm suối nước nóng sau hành trình dài. Suối khoáng nóng nằm ở khu 5 Trạm Tấu (Yên Bái), cách trung tâm thị trấn khoảng 2km.
Vừa được hòa mình cùng dòng nước 43-45 độ để lưu thông mạch máu, vừa được ngắm và tận hưởng không gian của các thửa ruộng bậc thang lãng mạn xung quanh.
Nếu bạn yêu biển trời mây, mong muốn có những thước phim lãng mạn của muôn vàn loài hoa, đặc biệt là sắc tím, yêu núi rừng hùng vĩ. Lựa chọn ngay Tà Chì Nhù. Tuy nhiên, hãy đảm bảo có một thể lực ổn định, chọn một tour du lịch đáng tin cậy hoặc porter dẫn đường để bạn có một chuyến đi an toàn và trọn vẹn nhé!
Bài viết liên quan:
Tà Xùa – Chia sẻ kinh nghiệm chinh phục
Lảo Thẩn – Chia sẻ kinh nghiệm chinh phục