1. Kỳ Quan San – Bạch Mộc Lương Tử
Rùa Discovery được biết, người ta gọi tên chính xác là Kỳ Quan San vì theo điểm xuất phát từ Kỳ Quan San. Song song đó, Bạch Mộc Lương Tử là một cái tên mỹ miều mà các phượt thủ ngày trước đã đặt. Có thông tin cho rằng nó xuất phát từ Bạch Mộc Lương – một dãy núi nằm sát biên giới Việt Nam và Trung Quốc. Dù được gọi theo cách nào, thì đây cũng là ngọn núi cao thứ 4 ở Việt Nam với con số chễm chệ 3.046m. Ngọn núi nằm ở ranh giới giữa hai huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai và huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu, Việt Nam.
Kỳ Quan San có một khung cảnh ngoạn mục và đa dạng: Từ việc vượt qua nhiều ruộng ngô, bãi chăn trâu bò của người Mông. Đến những dốc đá cheo leo, xuyên qua những cánh rừng già. Rồi bò trườn trên những dãy đá rêu phong. Dọc xuyên suốt hành trình, bạn sẽ được tận hưởng không khí của Núi Voi hùng vĩ. Rồi đắm chìm trong milky way huyền ảo khi màn đêm buông xuống. Lang thang ở rừng trà cổ thụ shan tuyết ma mị trong sương chắc chắn là một điều thú vị. Chưa hết, bạn nên ngắm bình minh tuyệt đẹp tại Đồi Muối giữa trời mây vào sáng sớm … Quá là nhiều trải nghiệm!
Nguồn: Sưu Tầm
2. Các cung đường leo Bạch Mộc
Có hai đường lên đỉnh núi, Rùa xin chia sẻ với bạn:
- Đường từ Lai Châu (Lai Châu – Dền Sung):
Có phần dễ hơn, địa hình cũng đa dạng. Cung này rừng rậm còn nguyên sinh nên có nhiều thứ để chiêm ngưỡng, khám phá. Tuy nhiên, nếu đi đoạn đường này, bạn thường phải xin giấy phép tại Đồn biên phòng nếu đi tự túc. Thêm nữa, nơi đây cũng không có lán nghỉ.
- Đường từ Lào Cai (Lào Cai – Sapa – Sàng Ma Sáo )
Có phần dài và xa hơn, địa hình cũng hiểm trở hơn bởi có nhiều sống núi và vách đá. Cung đường không có rừng rậm hay hệ động thực vật phong phú nhưng góc nhìn thoáng hơn, có thể phóng tầm mắt ra xa toàn cảnh.
Ảnh: dulichtaybac.vn
3. Nên leo Bạch Mộc mùa nào
Mỗi khoảng thời gian ở Bạch Mộc có những khung cảnh thú vị khác nhau:
- Tháng 2 đến tháng 4: Trời khá khô ráo. Không khí trong lành, xung quanh cây cối đâm chồi, nảy lộc xanh tươi, và mát mẻ. Bạn sẽ được ngắm những cánh hoa đào, hoa ban, hoa mận hay những bông hoa gạo rực rỡ khắp nơi trên hành trình.
- Tháng 9 đến tháng 11: Trời đã bước vào mùa thu. Trời đầu thu thì nắng dịu, mát mẻ, đặc biệt hầu như không có mưa. Nắng bình minh trên núi Bạch Mộc Lương Tử vào mùa thu khá đẹp. Bạn còn có thể chiêm ngưỡng cả một thung lũng lúa chín vàng nằm uốn lượn dưới những chân núi nữa.
- Tháng 12 đến tháng 1: “Đặc sản” là tuyết. Với những ai muốn được một lần được ngắm tuyết rơi thì đỉnh núi này là một gợi ý lý tưởng. Với độ cao hiếm có, lại gần biên giới Việt – Trung, nơi đây hàng năm rất hay có tuyết rơi. Toàn cảnh ngọn núi lấp đầy tuyết luôn khiến dân phượt, nhất là tín đồ thích mạo hiểm, mới lạ muốn chinh phục. Tuy nhiên, Rùa lưu ý bạn rằng tuyết sẽ phủ trắng đường đi, khó xác định phương hướng, lại trơn trượt hơi khó đi, cái lạnh cũng khiến nhiều bạn không thể di chuyển linh hoạt.
*Thời điểm không nên đi Bạch Mộc Lương Tử
- Từ tháng 5 đến tháng 8: Mưa nhiều đường sẽ trơn trượt, đặc biệt với địa hình núi dốc càng khó khăn, gây cản trở cho việc chinh phục. Thậm chí những cơn mưa rừng, lũ quét sạt lỡ rất có nguy cơ xảy ra và gây nguy hiểm cho người leo núi.
4. Những điểm lưu ý khi trekking Bạch Mộc Lương Tử
Chuẩn bị thể lực tốt:
Phần lớn cả quá trình chinh phục Bạch Mộc Lương Tử chỉ có đi lên và nhiều dốc chênh vênh. Chỉ có một chút ít đoạn đường bằng từ lán ở độ cao 2100 ra núi Muối. Do đó, đây là những bài tập phù hợp để bạn chuẩn bị trước 7-14 ngày:
- Sức bền: Đi đường dài ở công viên, chạy bộ, lên xuống cầu thang.
- Giữ thăng bằng: Bài tập kiễng chân.
- Tăng sức chịu đựng: Bài tập đứng lên, ngồi xuống.
Khi tập luyện bạn nên đeo thêm balo nặng 3-5kg để làm quen với độ nặng và tăng sức bền.
Thời tiết:
Thời tiết ở Bach Mộc khá lạnh, xuống tới 8 độ C vào ban đêm, vì thế bạn nên mang theo đồ mặc ấm. Đồng thời, địa hình nơi đây được đánh giá là nguy hiểm nên bạn phải xem trước dự báo thời tiết một tuần có một chuyến đi an toàn.
5. Vật dụng cần cần thiết
- Cắm trại: Lều, túi ngủ, thảm cách nhiệt nếu bạn tự túc. Trường hợp ngủ trong lán chỉ cần bạn mang theo miếng dán giữ nhiệt, dán ở chân để bạn giữ ấm vào ban đêm.
- Đồ dùng cá nhân: Bình nước, gậy trekking, đèn pin, sạc dự phòng, kem chống nắng, chai xịt côn trùng, đồ sơ cứu y tế, găng tay, mũ,…
- Thức ăn: Mang theo ít lương thực có đường như kẹo, chocolate, thanh năng lượng,… cho hành trình dùng nhiều sức.
- Giày leo núi: Đế nhẹ, có độ bám tốt, không thấm nước.
- Quần áo: Áo mưa dự trù. Quần áo chống thấm, dài tay, ấm vì nhiệt độ thấp vào ban đêm và khi càng lên cao.
- Balo: Chuyên dụng, chống thấm nước và có đai trợ lực.
- Tiền mặt: Để sử dụng trong trường hợp chi trả cho porter, chi trả thuê lán ngủ, khi tắm nước nóng của người địa phương.
Nguồn: Sưu Tầm
6. Thư giãn sau hành trình
Sau hành trình, bạn có thể đến Sapa tắm lá thuốc người Dao Đỏ. Nằm cách thị trấn Sapa khoảng 15km, ở bản Tà Phìn.
Lá dao đỏ giúp hồi phục sức khỏe, giảm đau xương khớp và lưu thông mạch máu rất tốt. Những lá thảo mộc này được người dân trực tiếp lên rừng hái về, rửa sạch, phơi khô, đun với nước ấm rồi đổ vào bồn tắm.
Nguồn: Sưu Tầm
Kỳ Quan San (Bạch Mộc Lương Tử) là ngọn núi thách thức dành cho các trekker yêu mạo hiểm. Dẫu con đường không dễ dàng, nhưng bạn luôn được đền đáp xứng đáng. Bởi sự thú vị và hùng vĩ được ẩn giấu của thiên nhiên nơi đây. Do đó, hãy đảm bảo có một thể lực tốt, chọn một tour du lịch đáng tin cậy hoặc porter dẫn đường để bạn có một chuyến đi an toàn và trọn vẹn!
Bài viết liên quan:
Fansipan – Chia sẻ kinh nghiệm chinh phục
Putaleng – Chia sẻ kinh nghiệm chinh phục