1. Putaleng – Pú Tả Lèng
Putaleng là đỉnh núi cao thứ 3 trong những đỉnh núi cao nhất ở Việt Nam, thuộc địa phận xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Người ta hay gọi với cái tên khác là Pú Tả Lèng hay Pú Tà Lèng. Đỉnh núi này có độ cao 3.049m và được đánh giá là không dễ dàng để chinh phục.
Nếu bạn yêu sự hùng vĩ của núi Bạch Mộc Lương Tử, sự cheo leo của núi Tà Xùa, thơ mộng và nhẹ nhàng của Lảo Thẩn hay sự hoang sơ của Lùng Cúng, thì hãy chọn Putaleng.
Bởi nơi đây hội tụ đầy đủ mọi vẻ đẹp mà nhiều cung đường cộng lại: Địa hình đa dạng, thảm thực động vật phong phú, sự cheo leo của những con dốc dựng đứng, khu rừng vừa hoang sơ vừa ma mị, tiếng suối róc rách reo, hoa Đỗ Quyên lãng mạn khắp đất trời.
Ảnh: Facebook Putaleng – Lai Châu – 3049m
2. Các cung đường để leo Putaleng
Rùa sẽ gợi ý giúp bạn 3 đường mà bạn có thể lựa chọn khi chinh phục đỉnh núi này:
- Lên Hồ Thầu xuống Tả Lèng: 3 ngày 2 đêm (hoặc 2 ngày 1 đêm nếu thể lực tốt).
- Lên Hồ Thầu xuống Sì Thầu Chải: 2 ngày 1 đêm.
- Cung đường đẹp nhất ở đỉnh này là lên Sì Thầu Chải xuống Tả Lèng: 3 ngày 2 đêm.
3. Nên leo Putaleng mùa nào
- Tháng 3 đến tháng 5: Mùa hoa đỗ quyên nở rộ khắp núi rừng. Bạn sẽ được thỏa sức chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp với loài hoa được mệnh danh là “nữ hoàng Tây Bắc”.
- Tháng 11 đến tháng 12: Thời tiết lạnh, làn sương mờ ảo, phù hợp để săn mây.
*Thời điểm không nên đi Putaleng
- Tháng 6 – tháng 8: Mưa nhiều đường sẽ trơn trượt, đặc biệt với địa hình núi dốc càng khó khăn, gây cản trở cho việc chinh phục. Thậm chí những cơn mưa rừng, lũ quét sạt lở rất có nguy cơ xảy ra và gây nguy hiểm cho người leo núi.
Ảnh: trekking-camping.com
4. Những điểm lưu ý khi trekking Putaleng
Chuẩn bị thể lực tốt:
- Leo cầu thang: Có rất nhiều con dốc thẳng đứng ở địa hình này, bạn có thể luyện tập trước các bài tập lên, xuống dốc như leo cầu thang. Khi tập luyện bạn nên đeo thêm balo nặng 3-5kg để làm quen với độ nặng và độ dốc.
- Chạy bộ: Đường đi dài và qua các địa hình đa dạng. Vì vậy, bạn hãy dành ra 3-4 ngày/ tuần, mỗi ngày chạy bộ từ 4-5 km để tăng sức bền.
Thời tiết:
Rùa khuyên bạn nên theo dõi dự báo thời tiết trước một tuần khởi hành. Bởi đường lên Putaleng có chút lầy lội và gió mạnh, đá rất trơn và nguy hiểm, phải đi rất cẩn thận vì địa hình rất hẹp, nhỏ và khó di chuyển. Thế nên, nếu có mưa bão thì sẽ rất nguy hiểm cho người leo núi.
Xin giấy phép:
Vì sự nguy hiểm của ngọn núi Putaleng, nên nếu bạn đi tự túc, bạn cần xin giấy phép tại Ủy Ban Nhân Dân huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
5. Vật dụng cần thiết
- Cắm trại: Lều, túi ngủ, thảm cách nhiệt nếu bạn tự túc. Trường hợp ngủ trong lán chỉ cần bạn mang theo miếng dán giữ nhiệt, dán ở chân để bạn giữ ấm vào ban đêm.
- Đồ dùng cá nhân: Bình nước, gậy trekking, đèn pin, sạc dự phòng, kem chống nắng, chai xịt côn trùng, đồ sơ cứu y tế, găng tay, mũ,…
- Thức ăn: Mang theo ít lương thực có đường như kẹo, chocolate, thanh năng lượng,.. cho hành trình dùng nhiều sức.
- Giày leo núi, dép rọ: Đế nhẹ, có độ bám tốt, không thấm nước vì hành trình đi Putaleng có rất nhiều suối.
- Quần áo: Áo mưa, quần áo dài tay, ấm vì nhiệt độ thấp vào ban đêm và khi càng lên cao.
- Balo: Chuyên dụng, chống thấm nước và có đai trợ lực.
- Tiền mặt: Để sử dụng trong trường hợp chi trả cho porter, chi trả thuê lán ngủ, khi tắm nước nóng của người địa phương.
6. Thư giãn sau hành trình
Sau hành trình, bạn có thể đến Sapa tắm lá thuốc người Dao Đỏ. Nằm cách thị trấn Sapa khoảng 15km, ở bản Tà Phìn.
Lá dao đỏ giúp hồi phục sức khỏe, giảm đau xương khớp và lưu thông mạch máu rất tốt. Những lá thảo mộc này được người dân trực tiếp lên rừng hái về, rửa sạch, phơi khô, đun với nước ấm rồi đổ vào bồn tắm.
Putaleng là một cung đường cho những ai yêu mạo hiểm và yêu cái đẹp. Hãy đảm bảo có một thể lực tốt, chọn một tour du lịch đáng tin cậy hoặc porter dẫn đường để bạn có một chuyến đi an toàn và trọn vẹn nhé!
Bài viết liên quan:
Tà Xùa – Chia sẻ kinh nghiệm chinh phục
Lảo Thẩn – Chia sẻ kinh nghiệm chinh phục